Sự thay đổi nội tiết khi thai nghén khiến thai phụ có nguy cơ rối loạn tâm thần cao hơn người thường. Ngược lại, rối loạn tâm thần cũng gây ra biến đổi nội tiết và tác động xấu đến thai kỳ
Mang thai do bị lạm dụng tình dục nhưng chị N.T.M.Y (19 tuổi, ngụ tại Long An) không nỡ bỏ đứa bé nên đã trốn gia đình lên TPHCM nương nhờ nhà bạn và đi phụ bán quán phở kiếm sống, chờ ngày sinh nở. Một buổi tối, chị đau bụng, được đưa vào bệnh viện (BV) cấp cứu thì phát hiện thai nhi 5 tháng tuổi đã chết lưu.
Biến đổi nội tiết tố
Ngoài việc giải quyết cái thai hư, các bác sĩ (BS) còn khuyên người bạn nên đưa chị Y. đến BV tâm thần, vì trong thời gian nằm viện chị hay ngồi nói lảm nhảm một mình, nói với các điều dưỡng có người sẽ vào BV giết mình vì chị mới được nghe… thần linh nói. BS tâm thần kết luận chị Y. mắc hội chứng PTSD – rối loạn tâm thần sau sang chấn, xuất phát từ lần bị cưỡng bức. Những tác động từ căn bệnh cộng với công việc nặng nhọc, thiếu sự chăm sóc bản thân… đã khiến chị sẩy thai.
ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TPHCM, định nghĩa: “Rối loạn tâm thần trong thai kỳ là một quá trình biến đổi sinh lý, sinh hóa phức tạp diễn ra ở cơ thể người mẹ, xuất hiện một số bệnh lý tâm thần với các mức độ khác nhau. Nguyên nhân của rối loạn tâm thần có thể do yếu tố sinh học, xã hội hoặc di truyền”.
Yếu tố sinh học bao gồm sự thay đổi các nội tiết tố liên quan đến thai nhi như hormone estrogen, progesteron, HCG; sự gia tăng bài tiết hormone tuyến yên, tuyến giáp, tuyến cận giáp, buồng trứng… Yếu tố xã hội như mang thai ngoài ý muốn, đời sống khó khăn về vật chất và tinh thần, bị nhiễm trùng, nhiễm độc, can thiệp sản khoa trong thai kỳ. Một số khác bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Các yếu tố này có thể “cộng dồn”, gây ra stress và nặng hơn là các rối loạn tâm thần.
Ảnh hưởng thai kỳ
Theo BS Quang, các dạng rối loạn tâm thần khác nhau sẽ ảnh hưởng đến thai kỳ khác nhau: “Ví dụ rối loạn stress cấp và trường diễn sẽ khiến người bệnh dễ giận dữ, mạch nhanh, thở mạnh, co thắt cơ – đối với các cơ vùng xương chậu và tử cung sẽ gây ra cơn gò khiến thai dễ sẩy trong 3 tháng đầu hoặc sinh non ở 3 tháng cuối. Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD – có tỉ lệ mắc ở thai phụ là 3,5%) có thể khiến thai lạc chỗ (thai ngoài tử cung), nôn nhiều, sẩy thai hoặc chuyển dạ sớm.
Các hiện tượng này có thể được giải thích bởi sự ảnh hưởng của tâm lý lên vùng dưới đồi của vỏ não, tác động đến tuyến yên, hệ nội tiết, hệ thống miễn dịch, hệ thống dẫn truyền mạch máu… Sự rối loạn này, nhất là về nội tiết có thể khiến thai lạc chỗ nếu bị tác động trong giai đoạn đầu đậu thai hoặc làm sẩy thai ở giai đoạn sau. Cơ chế này cũng dễ làm rối loạn hệ tiêu hóa gây ra rối loạn ăn uống ở một số thai phụ, bao gồm chán ăn, ăn vô độ hoặc xen kẽ cả hai, làm nguy cơ sẩy thai tăng gấp đôi, thai nhẹ ký hoặc bà mẹ bị đái tháo đường”.
Trầm cảm cũng hay gặp ở thai phụ (chiếm đến 13%-20%), tùy vào mức độ sẽ làm tăng nguy cơ sẩy thai, chảy máu trong thai kỳ và cuộc sinh, gia tăng nguy cơ sinh mổ. Rối loạn hoảng loạn có thể dẫn tới nguy cơ đa ối, thiếu máu; rối loạn lưỡng cực pha hưng cảm khiến các thai phụ gia tăng hoạt động tình dục và thể lực quá mức, thậm chí lạm dụng ma túy nên cũng tác động xấu đến thai kỳ.
Nên gần gũi, nâng đỡ tinh thần
Theo BS chuyên khoa 2 Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM, stress và các bất ổn về tâm lý, tâm thần hay gặp nhất ở người mang thai lần đầu với vô vàn lo âu về kinh tế, việc chăm sóc bào thai và nuôi con sau này… Có người khi mang thai bị người thân đưa ra quá nhiều lời khuyên răn, cảnh báo theo quan niệm cũ, dẫn đến những lo âu không đáng có. Tác hại dễ thấy nhất là khiến thai phụ mệt mỏi, giảm năng suất làm việc, mất ngủ, không chú ý đến việc chăm sóc bản thân. Đối với thai phụ thì việc cơ thể không được chăm sóc đầy đủ, lo lắng, kém uống đương nhiên ảnh hưởng lớn tới thai nhi.
“Nếu công việc quá căng thẳng, thai phụ nên nghỉ trước ngày sinh 1 tháng để phòng tránh các nguy cơ cuối thai kỳ và trong cuộc sinh. Stress lúc sắp sinh có thể gây rối loạn cơ gò, đình trệ cuộc chuyển dạ và khiến ca sinh trở nên khó khăn hơn, nguy cơ tai biến cao hơn” – BS Thông cảnh báo.
Theo các BS, để phòng tránh stress và rối loạn tâm thần trong thai kỳ, người thân, nhất là chồng nên có sự gần gũi, nâng đỡ tinh thần của thai phụ. Nên khám thai thường xuyên để kịp thời nhận được sự tư vấn khi có các bất ổn về thể chất lẫn tinh thần. Nếu gặp phải các triệu chứng như mất ngủ, chán nản, buồn rầu, hoảng loạn… hay các bất thường về tâm thần khác, thai phụ nên tìm đến BS chuyên khoa để được điều trị sớm.
Thụ tinh trong ống nghiệm cũng phải tránh stress
Theo ThS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, trong giai đoạn sau chuyển phôi và chờ 2 tuần để thử thai, một số phụ nữ khi thụ tinh trong ống nghiệm lo lắng việc điều trị thất bại nên nằm một chỗ, không dám làm việc, đi lại vì sợ sẩy thai.
Thực ra, họ nên có sự vận động nhẹ nhàng, sinh hoạt, làm việc bình thường, vì như vậy dễ gây stress. Stress sẽ khiến cơ thể tiết ra andrenalin, gây ra sự co thắt các mạch máu trong cơ thể, bao gồm cả tử cung và có thể trở thành nguyên nhân khiến thụ tinh ống nghiệm thất bại.
Theo Thanhnien