Thấp tim khởi đầu bằng bệnh nhiễm trùng nhẹ là viêm họng, do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm B gây ra. Khi viêm họng đã khỏi, trẻ có triệu chứng viêm khớp cấp đồng thời với thấp tim (viêm màng trong tim). Trong đó viêm màng trong tim (gây hẹp van hai lá) để lại di chứng nặng nề và vĩnh viễn.
Bác sĩ Hồ Thanh Tùng, Trưởng khoa Tim mạch – Bệnh viện Nguyễn Trãi TP HCM, cho biết trẻ em 5-15 tuổi bị thấp tim nhiều nhất. Nguyên nhân là các em dễ bị viêm họng do khả năng miễn dịch chưa cao, và thường xuyên tiếp xúc với những nguồn bệnh như bạn học, ở chung với người bị bệnh…
Viêm họng thường xảy ra vào mùa lạnh, mùa mưa, tập trung ở độ tuổi 3-20, trong đó 30% trường hợp do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm B gây ra (còn lại do virus). Loại viêm họng này khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt – đau họng – nuốt đau, không sổ mũi. Khoảng 2-3 tuần sau viêm họng, bệnh nhân bị viêm khớp, tập trung ở những khớp lớn như đầu gối, khuỷu tay, cổ chân, và di chuyển nhanh từ khớp này sang khớp khác. Khớp có thể chỉ bị đau hoặc có đủ triệu chứng viêm, sau 5-7 ngày khớp hết đau dù không có điều trị gì, không để lại di chứng cứng khớp teo cơ. Sau khi viêm họng, trong cơ thể người xuất hiện kháng thể để đối phó với liên cầu khuẩn. Song, cũng chính kháng thể này lại phá huỷ mô màng trong tim và cơ tim, gây ra bệnh ở tim.
Cũng theo bác sĩ Tùng, viêm tim thường xảy ra trong đợt thấp khớp cấp đầu tiên và đợt thấp khớp tái phát lần hai. Đây là biểu hiện nặng nhất của bệnh, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng vĩnh viễn với bệnh van tim hậu thấp (sau khi thấp khớp). Viêm tim có thể xuất hiện một mình hoặc kèm với các triệu chứng khác ở da, khớp, thần kinh. Hiện nay, mỗi năm cả nước có hàng nghìn người phải chờ đợi để đến lượt được mổ thay van tim.
Biện pháp chung để phòng ngừa thấp tim là nghỉ ngơi, khám bệnh kịp thời để phát hiện các âm thổi mới là triệu chứng của viêm tim. Bác sĩ Tùng nhấn mạnh, để phòng chống thấp tim có hiệu quả, cần tuyên truyền để người dân biết lợi ích của việc điều trị viêm họng cho người trong độ tuổi 3-20, cũng như hậu quả tai hại của bệnh van tim hậu thấp đối với trẻ. Quan trọng nhất là phát hiện sớm bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm B gây ra, điều trị bằng penicilline.
Ngoài ra cần tăng cường mạng lưới y tế quận huyện. Hiện nay, TP HCM chỉ có hai phòng khám thấp tim cho trẻ ở hai bệnh viện Nhi đồng 1, 2, trong khi phải cần khoảng hơn 20 phòng mới tạm đủ. Đồng thời, mạng lưới phòng chống thấp tim cần quan tâm sâu đến các trường học, mẫu giáo, tiểu học, trung học để phát hiện viêm họng ngay và điều trị có hiệu quả.
Theo Suckhoedoisong