Những sai lầm chết người khi cho con uống thuốc

Nhiều bậc phụ huynh thiếu cẩn trọng, không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng khi cho con uống thuốc có thể khiến bé lâm vào tình trạng nguy kịch.

Uống gấp 10 lần bác sĩ kê đơn

Ca bệnh đặc biệt bé sơ sinh 22 ngày tuổi ngộ độc paracetamol được bác sĩ Scott Phillips (Trung tâm Thuốc và độc chất Rocky Mountain, Đại học Y Colorado) báo cáo tại Hội nghị Nhi khoa Việt Mỹ lần thứ 3 vừa diễn ra tại Hà Nội.

BS Scott Phillips cho biết, ca bệnh này là một bé trai 22 ngày tuổi, nặng 4kg. Bé trai này bị hẹp bao quy đầu và bác sĩ khuyên dùng 40mg thuốc APAP (1 dạng paracetamol) trước khi cắt bao quy đầu. Lọ siro này gồm 10ml (chứa 800mg thuốc), nhãn thuốc ghi là 80mg/ml APAP. Nhìn vào nhãn, gia đình nghĩ rằng trong lọ chứa 80mg nên theo như chỉ dẫn của bác sĩ, họ cho bé uống1/2 lọ siro, nên liều trẻ đã uống là 200mg/kg.

Sai sót này chỉ được phát hiện sau khi bé làm xong thủ thuật cắt bao quy đầu, bác sĩ dặn gia đình nếu thấy bé khó chịu thì cho uống thêm 40mg nữa. Đến lúc này gia đình mới hỏi lại liều và nhận ra đã hiểu sai nhãn nên đã sai chỉ định của bác sĩ, đã cho trẻ uống hết lọ siro với liều quá là gấp 10 lần nên mới vội đưa trẻ tới khoa cấp cứu.

Kết quả xét nghiệm cho thấy em bé bị ngộ độc paracetamol cấp với nồng độ thuốc trong máu là 1.243 umol/L (trong khi đó, nếu có nồng độ thuốc từ 66- 199 umol/L là đã phải điều trị). Ngay lập tức, bệnh nhi này đã phải truyền thuốc giải độc.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết, Paracetamol là loại thuốc hạ sốt dùng quá phổ biến, và chính sự phổ biến này khiến tình trạng ngộ độc paracetamol ngày càng có xu hướng tăng lên. Tại Việt Nam cũng có những ca ngộ độc paracetamol ở trẻ em do dùng thuốc này quá bừa bãi. Hơn nữa, cùng hoạt chất paracetamol nhưng có rất nhiều loại thuốc với nhiều nhãn hiệu khác nhau. Có những người vừa cho con uống thuốc hạ sốt efferalgan, lại uống thêm Decolgen để chữa sổ mũi trong khi loại thuốc này cũng chứa paracetamol. Hay khi chưa được 4 tiếng con đã sốt lại, nhiều người vẫn vô tư dùng, vì nghĩ cứ sốt là uống mà không lường hết nguy cơ của việc lạm dụng thuốc

Khi bị ngộ độc, người bệnh có các triệu chứng ngộ độc biểu hiện: chán ăn, buồn nôn, vã mồ hôi, khó chịu, có thể đau hạ sườn phải. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể tử vong do suy đa tạng (thận, gan). Do vậy, cần thận trọng khi cho trẻ dùng paracetamol để hạ sốt. Nếu trẻ sốt cao, từ 38,5oC trở lên có thể dùng paracetamol nhưng không được dùng quá 15mg/kg cân nặng/lần và chỉ dùng tối đa 4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 4 tiếng.

1309 Những sai lầm chết người khi cho con uống thuốc

Nguy kịch vì cha mẹ quá “sáng tạo”

Không chỉ sai lầm này, trong thực tế điều trị, chính các bác sĩ cũng “phát hoảng” bởi nhiều ứng xử quá “linh hoạt” của người bệnh với thuốc.

“Điển hình nhất phải kể đến pha oresol cho trẻ. Dung dịch oresol đã cứu hàng triệu trẻ em bị tiêu chảy cấp khỏi cái chết. Thế nhưng nhiều trẻ cũng bị ngộ độc nguy kịch bởi sự “sáng tạo” của người thân”, PGS. TS Nguyễn Văn Bàng, khoa Nhi BV Bạch Mai cảnh báo.

“Mùi lạ con không chịu uống, nó nhất định không chịu uống gì ngoài nước sôi để nguội, pha ra cốc to để lạnh bé khó uống nên chỉ pha ít một… là những biện minh của các bà mẹ với bác sĩ khi đưa con đi cấp cứu vì ngộ độc oreslo. Vì những lý do này, có người cho chia nhỏ lượng thuốc, mỗi lần cho vào một cái chén con cho bé uống, hoặc pha cả gói vào một chén nước nhỏ vì bé lười uống, pha tí nước mới uống hết khiến tỷ lệ pha là rất đặc so với khuyến cáo mà không lường hết những hiểm họa có thể xảy đến với trẻ”, TS Bàng nói.

Theo giải thích của TS Bàng, khi trẻ bị tiêu chảy, tình trạng mất nước trầm trọng khiến bé rất khát nước. Trong khi đó, oresol có thành phần là muối, đường… lại được pha đặc hơn so với khuyến cáo nên khi bé uống, không khác gì uống một cốc nước muối khiến bé càng khát hơn. Khát nước, bé đòi uống nước, người thânlại tiếp tụccho uống dung dịch oresol pha đặc này… Lẽ ra, một gói oresol theo chỉ dẫn phải pha với 200ml nước đun sôi để nguội nhưng thực tế bé lại uống cả gói thuốc chỉ với vẻn vẹn khoảng 40ml nước, khiến bé được “nạp” quá nhiều muối, rất nguy hiểm.

“Khi uống oresol với nồng độ quá đặc như thế sẽ khiến hàm lượng muối trong máu tăng lên, gây tình trạng ưu trương (quá nhiều muối trong máu), áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường. Bình thường, hai bên màng tế bào cân bằng nhau. Nhưng lúc này, vì nồng độ muối quá cao nên áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường, “hút” nước từ tế bào, khiến tế bào bị hút hết nước nên bị teo tóp lại. Lúc này, trẻ có biểu hiện da nhăn, khô, mắt trũng… Điều nguy hiểm nhất lúc này, đó là vì bị hút nước nên tế bào não bị teo tóp lại, gây tổn thương tế bào não, khiến trẻ bị co giật, sốt cao, vật vã, kích thích, hôn mê. Nếu không biết để cấp cứu kịp thời, trẻ rất dễ bị tử vong”, TS Bàng nói.

“Ngoài ra có thể kể đến những sai lầm rất thường gặp như uống thuốc chống nôn khi trẻ bị tiêu chảy cấp. Thấy con nôn, nhiều bậc cha mẹ vội thuốc thuốc chống nôn, con nôn lại uống lại vì sợ mất thuốc… dẫn đến quá liều, trẻ bị co giật, cứng cơ toàn thân rất nguy hiểm. Hay có người con bị động kinh, bác sĩ kê thuốc riêng cho trẻ nhưng trong nhà sẵn có thuốc người lớn lại uống luôn cho tiện”, BS.Ths Nguyễn Thành Nam, khoa Nhi BV Bạch Mai nói về những sai lầm dùng thuốc mà các bác sĩ vẫn gặp trong thực tế điều trị.

Vì thế, khi cho trẻ uống thuốc, cha mẹ cần xem kỹ đơn hướng dẫn sử dụng của bác sĩ, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc và tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định, tránh những sai lầm đáng tiếc có thể nguy hại đến sức khỏe trẻ.

Theo Phunutoday

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *