Có những thói quen ta thực hiện hàng ngày nhưng không hề hay biết nó lại là mầm mống hủy hoại dung nhan và sức khỏe. Không những thế, nhiều thói quen tai hại còn là nguyên nhân lây lan bệnh truyền nhiễm cho cộng đồng.
Chỉ đánh răng khi thức dậy
Không ít người chỉ đánh răng khi thức dậy, sau đó ăn sáng rồi đi học, đi làm. Như vậy, trong suốt thời gian từ sáng đến tối (đánh răng trước khi đi ngủ), vi khuẩn có dư thời gian đeo bám, làm tổ, sinh “con đàn cháu đống”. Vi khuẩn có hai loại, một loại chuyên nhiệm vụ lên men những thức ăn sót lại, chính vị chua này (acid) làm mất khoáng men răng, khiến chúng “mềm nhũn”, tạo thành lỗ sâu răng. Loại thứ hai làm viêm nướu, sưng nướu, chảy máu, viêm nha chu… sẽ phá hủy mô nha chu. Hậu quả: “đốn ngã” răng hàng loạt. Vì thế, đừng ngạc nhiên khi đến một tuổi nào đó “bỗng dưng” răng rủ nhau “đi du lịch”. Nên biết rằng, điều này là “công sức lao động” hàng chục năm không ngơi nghỉ của vi khuẩn. Sau khi ăn, thói quen “chọc ngoáy” răng bằng tăm còn làm hại men răng, gây tổn thương lợi, buộc răng tách rời nhau… Càng xỉa, răng càng thưa, dễ giắt thức ăn và chủ nhân lại xỉa tiếp, tạo nên vòng luẩn quẩn… Nặng nề hơn nữa là tình trạng nhiễm trùng túi lợi nếu tăm xỉa răng không vô trùng. Để bảo vệ răng không bị sâu, nha chu… TS Ngô Đồng Khanh – Chủ tịch Hội Răng hàm mặt khuyên: “Nên chải răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ, dùng chỉ nha khoa thay tăm xỉa răng và kiểm tra răng định kỳ hàng năm”.
Ngoáy tai
Đây là thói quen không hay mà nhiều người mắc phải. Bằng chứng là ở bất kỳ đâu, ta cũng mua được dụng cụ ngoáy tai. Chưa kể, các vật dụng này được làm từ nhiều chất liệu: kim loại, tre, nhựa, lông tổng hợp, gòn… Người ta ngoáy sau khi tắm, gội và làm vệ sinh tai khi thấy ngứa ngáy. Tuy nhiên, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM đã nhận điều trị nhiều trường hợp: viêm tai trong, viêm tai ngoài, viêm tai xương chũm, viêm màng não, áp xe não, liệt mặt… do tự ngoáy tai hoặc đi tiệm hớt tóc ngoáy tai. Thực tế, hành động ngoáy tai là thừa và nguy hiểm. Tai đã có cơ chế tự làm sạch, việc ngoáy tai sẽ đẩy chất thải vào trong, đồng thời làm tổn thương da ống tai, làm rụng lông trong ống tai. BS Nguyễn Thành Lợi – BV Tai Mũi Họng TP.HCM giải thích: “Tai tiết ra chất nhầy nhằm ngăn cản bụi bặm, vi trùng từ ngoài xâm nhập vào tai. Song song là hệ thống lông trong ống tai làm nhiệm vụ ngăn chặn bụi bặm và là “chổi” quét chất thải từ trong ra ngoài cửa tai. Vì thế, việc vệ sinh tai chỉ cần dùng khăn lau cửa tai, khi bị ngứa thì dùng tay vò vò nắp tai để qua cơn ngứa”.
Dụi mắt
Dụi mắt là thói quen của trẻ em khi mới ngủ dậy và của bất kỳ ai khi có vật gì rơi vào mắt. Thói quen này chẳng khác gì “tay trong” của vi khuẩn. Bàn tay “bắc cầu” đưa vi khuẩn lên mắt và “làm ổ” tại đây. Chưa kể, hành động dụi qua dụi lại khi vật lạ bay vào mắt còn làm rách mắt, gây viêm nhiễm. BS Trần Thị Phương Thu – Bộ môn Mắt, Đại học Y Dược TP.HCM khuyên: “Khi có vật lạ rơi vào mắt, không được dụi mắt mà rửa mắt bằng nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo. Nếu thấy xốn, đau mắt thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa”.
Gần đây, có những dịch vụ làm đẹp gây hại cho mắt không ít như: đeo kính áp tròng đổi màu mắt, nối mi… Những bệnh nhân đi khám mắt do đeo kính áp tròng thường bị các bệnh: trầy xước giác mạc, viêm loét, giảm thị lực… Còn người nối mi thì bị cọ xát mi, khó mở mắt… Vì vậy, cần suy nghĩ trước khi sử dụng những kỹ thuật làm đẹp có tác động không tốt tới mắt.
Dùng tay làm vệ sinh
Dùng tay trần để rửa chén bát, vệ sinh nhà… là nguyên nhân dẫn tới các bệnh ở tay như: viêm da tiếp xúc, ly móng (hở móng do tiếp xúc hóa chất). Bệnh viêm da tiếp xúc có hai loại: do kích thích và do dị ứng. Ai cũng có thể bị viêm da kích thích khi tay tiếp xúc hóa chất nồng độ cao. Khi đó, da sẽ bị đỏ, khô, nứt, đóng vẩy, ngứa ngáy, có cảm giác hơi châm chích. Nếu tránh được hóa chất thì da sẽ hồi phục từ từ, nếu tiếp tục “gần gũi” hóa chất, da sẽ nứt, viêm đỏ gây khó chịu. Viêm da dị ứng thường do cơ địa, chỉ cần tiếp xúc hóa chất nồng độ thấp cũng dị ứng. Biểu hiện của bệnh gồm: da viêm đỏ, nổi mụt nước, ngứa nhiều… BS Huỳnh Huy Hoàng – BV Da Liễu TP.HCM khuyên: “Nên đeo bao tay khi tiếp xúc hóa chất, chất tẩy rửa… để bảo vệ vẻ đẹp của bàn tay”.
Khạc nhổ bừa bãi
Những người có thói quen khạc nhổ thường đã bị bệnh lao, nhiễm trùng cấp tính… Thói quen này “chắp cánh” cho vi trùng đi khắp nơi. Riêng vi trùng lao do được “thừa kế” lớp vỏ cứng, nằm trong chất thải khạc nhổ, nhờ nắng khô đi, quyện trong gió bụi, nên dễ dàng tìm nơi ở mới. Theo BS Nguyễn Đắc Thọ – Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nên tập thói quen khạc nhổ vào khăn giấy, sau đó bỏ vào thùng rác, không thải ra môi trường.
Ăn khuya
Sài Gòn là nơi có thể tìm được quán ăn đêm mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, nếu lâu lâu một lần đi chơi khuya thì ăn đêm làm tăng hương vị cuộc sống. Thế nhưng, nếu trở thành thói quen, không ăn là… nhớ thì cơ thể sẽ lên cân nhanh chóng, nhất là khi “ăn no lại nằm”. Ăn đêm, năng lượng dư thừa chuyển thành mỡ tích lũy vùng bụng, không những làm xấu vóc dáng mà còn tiềm ẩn nhiều bệnh mãn tính nguy hiểm. BS Đào Thị Yến Phi – Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM khuyên: “Người có thói quen này cần thay thế bữa ăn đêm nhiều năng lượng bằng các món ăn nhẹ như: sữa không béo, vài cái bánh lạt, trái cây ít ngọt và giảm dần số lượng…”.
Xả rác
Không ít người giữ sạch sẽ trong nhà nhưng sẵn sàng xả rác nơi công cộng, ném thẳng tay những túi rác xuống lòng kênh, để rác sang nhà bên cạnh, “tấp” rác vào ống cống. Rác thải là nguồn thức ăn cho gián, chuột, côn trùng…, những vật trung gian gây bệnh cho người. Môi trường sống ô nhiễm thì bất cứ ai cũng bị ảnh hưởng. Vì thế, nên thay đổi hành vi, nếu mỗi một người trong xã hội có ý thức và nhắc nhở nhau thì môi trường sẽ sạch, thông thoáng, mầm bệnh không có cơ hội phát tán.
Theo PNO