Trẻ bị viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A có thể bị suy tim, phù phổi trong giai đoạn cấp dẫn tới tử vong.
Bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A là bệnh thường gặp ở trẻ em có nguy cơ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là bệnh viêm cầu thận cấp hoặc thấp tim gây tử vong, di chứng ở van tim tồn tại suốt đời. Đây là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh và là quan ngại đối với các bác sĩ nhi khoa.
Điều trị nghiêm ngặt
Thấp tim là bệnh thường gặp ở trẻ đang độ tuổi đi học, 5 đến 15 tuổi. Bệnh xảy ra sau khi bị viêm họng do một loại vi trùng gọi là liên cầu khuẩn. Không phải tất cả những trẻ bị viêm họng đều bị thấp tim, khoảng 3% trẻ bị viêm họng mắc bệnh này. Sau đợt viêm họng do vi trùng liên cầu khuẩn, các cơ quan khác bắt đầu bị tổn thương.
Tình trạng viêm nhiều khớp, đặc biệt là viêm các khớp lớn. Hiện tượng viêm chỉ thoáng qua, di chuyển nhanh từ khớp này sang khớp khác, không kéo dài, từ nhẹ đến nặng. Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng múa vờn, trẻ đang bình thường bắt đầu có những động tác vụng về như cầm đồ vật hay bị rơi, trẻ trở nên ngớ ngẩn, tay chân múa máy, quờ quạng. Viêm tim diễn ra do viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim… Có trường hợp trẻ có thể gây phát ban ở da, có những nốt cục dưới da và múa giật.
Bệnh nguy hiểm ở chỗ có thể gây suy tim, phù phổi trong giai đoạn cấp dẫn tới tử vong. Những trường hợp sưng tim nặng sẽ để lại sẹo trên tim, gây hẹp van tim, hở van tim, có thể cần phải phẫu thuật mới chữa khỏi. Trẻ mắc bệnh này phải được bác sĩ chuyên khoa tim mạch điều trị tại bệnh viện. Trẻ cần phải nghỉ ngơi tuyệt đối trên giường ít nhất là 2 tuần, những trường hợp nặng có khi phải nghỉ ngơi 6 tuần tới 3 tháng.
Nếu trẻ nào bị sưng tim, suy tim phải ăn lạt: không nêm muối vào thức ăn, không ăn nước mắm, nước tương và chỉ uống nước khi khát. Bác sĩ sẽ cho trẻ uống thuốc trong 10 ngày để điều trị viêm họng và uống thuốc chống sưng khớp, sưng tim ít nhất là 6 tuần. Những trẻ bị suy tim còn được cho thêm các thuốc điều trị suy tim.
Gia đình phải tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ khi cho trẻ uống các thuốc chống sưng và điều trị suy tim này, không tự động ngưng, tăng hoặc giảm liều thuốc, vì như thế bệnh có thể nặng thêm hoặc rất nguy hiểm cho trẻ. Nếu trẻ bị múa giật sẽ được cho thuốc an thần, thuốc này chỉ cho trẻ uống dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.
Cảnh giác những cơn viêm họng
Bệnh thấp tim có thể hoàn toàn tránh được nếu điều trị tốt và đúng khi bị viêm họng. Trẻ bị viêm họng nên đi khám bác sĩ để được cho uống đúng thuốc kháng sinh và đủ thời gian. Gia đình phải cho trẻ tái khám định kỳ mỗi 4 tuần, 3 hoặc 6 tháng tùy theo hướng dẫn của bác sĩ.
Không nên bỏ tái khám vì bệnh sẽ tái phát và nặng. Khi trẻ sốt, đau sưng khớp, mệt, khó thở, phù, tiểu ít, gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện khám lại ngay.
Cần nhận biết triệu chứng lâm sàng của viêm họng do liên cầu khuẩn tán huyết beta nhóm A từ đó kịp thời điều trị phòng thấp tim. Nếu phát hiện những dấu hiệu sau: sốt cao, mệt nhiều, thở khó khăn, nuốt khó, trẻ nhỏ chảy nước dãi nhiều hơn bình thường, phát ban đỏ toàn thân hoặc bệnh kéo dài trên 2 tuần cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được đánh giá và điều trị tiếp.
Những trẻ đã bị thấp tim rồi bắt buộc phải tái khám định kỳ mỗi 4 tuần để được tiêm chích hoặc uống thuốc phòng tái phát bệnh trong thời gian tối thiểu là 5 năm. Những trẻ từng mắc bệnh thấp tim và có di chứng hẹp hở van tim phải giữ vệ sinh răng miệng, đánh răng sau mỗi bữa ăn để phòng ngừa nhiễm trùng răng có thể dẫn tới nhiễm trùng máu và nội mạc tim. Khi nhổ răng hoặc phải làm thủ thuật hay phẫu thuật phải thông báo cho bác sĩ biết có bệnh tim để được cho kháng sinh dự phòng trước.
Phòng ngừa bằng vắc-xin
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Kim Thoa, Bệnh viện Nhi Đồng 1-TPHCM, do khả năng lây lan cao qua đường hô hấp, những trẻ bị bệnh viêm họng liên cầu khuẩn A phải cách ly khỏi nhà trẻ, trường học. Cho trẻ nghỉ học 1 ngày sau liều kháng sinh đầu tiên. Nếu không sốt, từ ngày thứ 2 trở đi, trẻ có thể đi học trở lại mà không sợ lây lan cho các bạn. Hiện đã có vắc-xin phòng bệnh viêm họng liên cầu khuẩn A nhưng chưa đủ các type huyết thanh và chưa sử dụng rộng rãi nên biện pháp dự phòng tích cực là tăng cường công tác giáo dục y tế về tác hại của bệnh, điều trị triệt để căn bệnh viêm họng. Phòng tránh bị viêm họng bằng cách tập cho trẻ thói quen uống nhiều nước, giữ cho trẻ không bị lạnh đột ngột. Tránh tiếp xúc khói bụi, khói thuốc lá, không khí lạnh. Khuyến khích trẻ tập thể dục, ăn uống đầy đủ để tăng cường sức đề kháng cơ thể.
Theo Phunutoday