Sự nhầm lẫn về công dụng của các loại thực phẩm là điều gây hoang mang đối với các bà mẹ trong quá trình chăm sóc trẻ nhỏ.
Trải qua giai đoạn sơ sinh chỉ tiếp nhận sữa, bước vào giai đoạn 6-12 tháng tuổi, ngoài việc trẻ tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ, trẻ dần tiếp nhận nguồn thực phẩm bổ sung. Tuy vậy, các mẹ cần thận trọng khi làm cho trẻ quen dần với việc ăn dặm, vì có một số thực phẩm không an toàn cho trẻ. Những thực phẩm không an toàn cho trẻ nên để ý:
1. Mật ong
Tuyệt đối không cho trẻ dùng mật ong, dù mật ong là loại thực phẩm – dược phẩm tinh túy gia truyền, rất tốt giúp điều trị một số bệnh ở trẻ. Vì hệ tiêu hóa trẻ còn non yếu, chưa có đủ các vi khuẩn hữu ích nên chưa thể tiêu diệt bào tử, ngăn ngừa sự phát triển và sản sinh độc tố của vi khuẩn clostridium botlium khi ăn mật ong.
2. Bơ lạc
Chất dẻo dính của bơ đậu phộng sẽ gây rất khó nuốt, dễ nghẹn. Hơn nữa, lạc (đậu phộng) và các sản phẩm từ lạc cũng rất dễ khiến trẻ bị dị ứng.
3. Sữa bò
Nhiều mẹ cho rằng trẻ uống thêm sữa bò sẽ có nhiều lợi ích cho trẻ. Nhưng thật ra điều đó hoàn toàn sai lầm, trong sữa bò có chứa nhiều protein mà hệ tiêu hóa non yếu của trẻ không thể tiêu hóa được, dẫn đến đầy bụng, khó tiêu.
4. Muối
Giai đoạn này, cơ thể của bé chưa đủ cứng cáp để chấp nhận bất kì hương vị mặn nào từ muối, và muối có thể làm cho trẻ gặp nguy hiểm vì chức năng thận của bé chưa hoàn thiện để xử lý. Vậy nên, trong chế độ ăn của trẻ, các mẹ tuyệt đối không nên cho muối, bột ngọt hay các loại gia vị khác.
5. Dâu
Những trái dâu ngọt ngào, giàu vitamin là lựa chọn hoàn hảo cho thực đơn của gia đình, tuy nhiên lại không phải của bé. Dâu không chỉ chứa nhiều axit ảnh hưởng lớn đến dạ dày và ruột của bé mà còn có thể gây kích ứng như nổi sảy.
6. Trứng
Trứng chứa nguồn protein, vitamin D và chất khoáng dồi dào, tuy nhiên trứng lại là món ăn rất dễ gây dị ứng cho trẻ. Không nên cho trẻ ăn trứng sống hoặc trứng chưa chín kỹ. Có thể cho trẻ ăn trứng nhưng các mẹ phải đảm bảo trứng được luộc chín kỹ cho đến khi cả lòng trắng và lòng đỏ rắn lại. Tuy nhiên, các mẹ cần lưu ý, chỉ cho trẻ ăn lòng đỏ trứng thôi nhé, vì các protein trong lòng trắng trứng có thể làm bé bị dị ứng hoặc dị ứng phát triển trong tương lai.
7. Trái cây ép
Trong nước ép chứa nhiều đường và mất đi nhiều chất dinh dưỡng khác mà chỉ có trong trái cây nguyên vẹn. Bé dưới 1 tuổi nếu uống quá nhiều nước ép hoa quả sẽ không hấp thu được đủ sữa mẹ, sữa bột, thức ăn dặm giàu dinh dưỡng có thể dẫn tới suy dinh dưỡng.
Thêm vào đó, một vài trẻ hấp thu quá nhiều khối lượng nước ép hoa quả sẽ có thể bị đau dạ dày hoặc tiêu chảy.
Bé sau 6 tháng tuổi có thể được thử dùng nước hoa quả trong bữa ăn của mình. Bắt đầu với một lượng nhỏ khoảng 1-2 ounce/ngày (1ounce = 28.35g). Khi bé lớn hơn một chút có thể cho bé uống 4 ounce/ngày. Nước hoa quả cần được ép từ thực phẩm tươi ngon, sạch. Không nên cho trẻ uống nước hoa quả công nghiệp hoặc quá ngọt như sô đa chẳng hạn.
8. Hải sản có vỏ
Các loại hải sản có vỏ như tôm, cua, sò, ốc… là thực phẩm rất dễ gây dị ứng, vì vậy, bác sỹ đặc biệt khuyên các mẹ chỉ nên cho bé ăn sau năm đầu đời. Trước khi cho bé ăn, các mẹ nên hỏi ý kiến bác sỹ cũng như tìm hiểu xem trong gia đình có ai bị dị ứng với hải sản không nhé.
9. Khoai tây chiên
Không có gì ngạc nhiên khi 8/10 đứa trẻ đều khoái ăn món khoai tây chiên. Tuy nhiên, rắc rối là khoai tây chiên chứa rất nhiều chất béo và calo có thể gây viêm dạ dày và béo phì. Hơn nữa, trong thành phần món ăn này chứa lượng muối nhiều hơn so với quy định nên khi tiêu thụ quá nhiều sẽ không tốt cho sự phát triển xương, dẫn đến các bệnh về tim mạch.
10. Nho hay thực phẩm cứng
Các loại hạt, bỏng ngô, nho cả quả, rau củ sống, nho khô, bánh kẹo, hoa quả khô, các loại hạt nhỏ nhưng cứng thì nên tránh cho bé ăn bởi chúng là nguy cơ gây nghẹt thở hàng đầu ở bé. Các mẹ nên cắt thật nhỏ và nấu thức ăn cho bé tới khi chín mềm mới được cho bé ăn.
Theo Phunutoday