Thông thường, chúng ta nghĩ kinh nguyệt thất thường do ảnh hưởng từ chế độ ăn uống không điều độ, tinh thần căng thẳng, tác dụng phụ của thuốc tránh thai…
Tuy nhiên, có thể bạn chưa biết, rối loạn kinh nguyệt còn là dấu hiệu của các căn bệnh nguy hiểm có khả năng gây vô sinh, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Chúng tôi sẽ giúp bạn nhận biết các rối loạn kinh nguyệt thường gặp và nguyên nhân của chúng.
1. Vô kinh
Vô kinh có hai loại, nguyên phát và thứ phát. Khi một cô gái đến 16 tuổi vẫn chưa có kinh, người ta gọi đó là vô kinh nguyên phát.
Nguyên nhân có thể do hệ thống nội tiết tố trong cơ thể hoạt động không tốt. Nếu bỗng dưng bạn mất kinh từ ba tháng trở lên và không mang thai, đây gọi là vô kinh thứ phát.
Vô kinh thứ phát thường xảy ra khi bạn bị stress, tập thể dục quá sức, hụt cân đột ngột làm ảnh hưởng đến nồng độ estrogen trong cơ thể.
Ngoài ra, các vấn đề khác như hoóc môn prolactin tăng cao cũng sẽ tác động đến tuyến yên hoặc cường giáp, suy giáp cũng có khả năng gây vô kinh thứ phát. Không những thế, đây còn là dấu hiệu của u nang buồng trứng.
Vì vậy, nếu kinh nguyệt thất thường, bạn nên đi khám phụ khoa ngay lập tức để sớm phát hiện và chữa trị kịp thời.
2. Rong kinh
Một kỳ nguyệt san thông thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày. Khi máu kinh ra nhiều và kéo dài hơn 7 ngày, người ta gọi tình trạng này là rong kinh.
Theo số liệu điều tra, cứ 5 phụ nữ sẽ có một người bị rong kinh trong suốt kỳ kinh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày. Bình thường, lượng máu mất đi trong một kỳ kinh khoảng 35 ml.
Tình trạng ra nhiều máu là khi lượng máu mất đi nhiều gấp 10 cho đến 20 lần so với lượng máu nói trên. Khi đó, bạn cần phải thay băng vệ sinh liên tục mỗi giờ, thay vì ba hoặc bốn lần trong một ngày như bình thường.
Nguyên nhân của chứng rong kinh có thể do trứng không rụng thường xuyên, cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc không đủ lượng hoóc môn estrogen, progesterone. Ngoài ra, những Eva ra máu kinh nhiều có thể mắc một trong các chứng bệnh sau:
– Tuyến giáp hoạt động không tốt
– Rối loạn đông máu Von Willebrand
– Xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, một bệnh rối loạn chảy máu do có quá ít tiểu cầu trong máu.
– Bệnh gan hoặc thận
– Bệnh bạch cầu
– Biến chứng từ việc sử dụng vòng tránh thai
– U xơ tử cung
– Mang thai ngoài tử cung
– Tế bào nội mạc tử cung đang ở giai đoạn tiền ung thư.
3. Đau bụng khi “cắm cờ”
Hầu hết các Eva đều đau bụng trước hoặc trong kỳ kinh một lần trong cuộc đời. Tuy nhiên, nếu cơn đau đặc biệt dữ dội và dai dẳng, bạn có thể đang mắc chứng thống kinh đấy.
Thông thường, đau bụng kinh xảy ra do sự co thắt tử cung. Prostaglandin do các tế bào niêm mạc tử cung sản sinh và tuần hoàn trong máu là thủ phạm gây ra sự co thắt này. Đau bụng dữ dội lúc “đèn đỏ” cũng làm ruột tăng co thắt, giảm huyết áp và giãn mạch máu. Từ đó gây ra các chứng tiêu chảy, choáng váng, da tái, đổ mồ hôi…
Để giảm đau, bạn có thể uống thuốc đau bụng kinh và hạn chế uống nước đá trong những ngày này. Nước đá sẽ làm tình trạng đau bụng thêm tồi tệ. Ngoài ra, bạn nên tắm nước ấm, uống trà gừng hay tập yoga để giảm đau.
4. Hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt (Premenstrual syndrome – PMS) là những thay đổi về sinh lý và cảm xúc xuất hiện khoảng 5 đến 7 ngày trước khi có kinh. Khoảng 30 đến 40% phụ nữ mắc triệu chứng PMS như đầy hơi, sưng ngực, mệt mỏi, táo bón, tay chân vụng về, dễ nổi giận, lo lắng, tâm trạng thất thường, mất tập trung…
Nguyên nhân chủ yếu là do sự mất cân bằng hoóc môn trong cơ thể nữ giới trước ngày “cắm cờ”. Bên cạnh đó, một số tác nhân như thiếu vitamin, ăn quá mặn hay uống rượu bia, cà phê cũng khiến chứng PMS trầm trọng hơn.
Ngoài ra, hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (Premenstrual dysphoric disorder – PMDD) là sự rối loạn nghiêm trọng hơn so với PMS. Sự mất cân bằng nội tiết tố, đặc biệt là sự thiếu hụt hoóc môn serotonin, được xem là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chứng bệnh này.
Các triệu chứng của PMDD nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của các nàng nhiều hơn PMS.
Khoảng 3 – 8% phụ nữ mắc hội chứng PMDD. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng PMS biến mất khi kỳ kinh bắt đầu thì triệu chứng PMDD chỉ giảm bớt trong vài ngày sau đó.
Ngoài các trường hợp kể trên, kinh thưa và kinh dày cũng được xem là một trong các biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt. Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ ở độ tuổi sinh sản kéo dài khoảng 28 ngày.
Chu kỳ kinh nguyệt dài 35 ngày gọi là kinh thưa, chu kỳ ngắn hơn 21 ngày gọi là kinh dày. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài 35 ngày vẫn có thể được xem là bình thường.
Sự bất thường của Eva này có thể là bình thường đối với các cô gái khác. Do đó, nếu có bất cứ dấu hiệu đáng ngờ nào, bạn nên đến bác sĩ khám để có thể chẩn đoán bệnh chính xác nhất.
Nhận biết các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt càng sớm, việc điều trị càng nhanh chóng và hiệu quả. Ngoài ra, bạn có thể chủ động phòng tránh rối loạn kinh nguyệt bằng cách áp dụng lối sống lành mạnh, ăn ngủ đầy đủ, đúng giờ, chăm tập thể dục, thư giãn để làm giảm stress…
Bên cạnh đó, bạn còn có thể dùng thêm các loại thảo mộc như cao ích mẫu, hương thảo, gừng để giúp ổn định chu kỳ kinh nguyệt.
Các triệu chứng khác của rối loạn kinh nguyệt
Bạn có biết, ngoài những biểu hiện như vô kinh, ra máu nhiều, đau bụng khi hành kinh… rối loạn kinh nguyệt còn vô số các triệu chứng khác nữa.
Chẳng hạn như kinh nguyệt không đều do nhiễm trùng vùng chậu, có thể gây sốt và đau khi quan hệ. Dưới đây là một số triệu chứng khác của bệnh, bạn nên tham khảo thêm để có thể phát hiện sớm tình trạng của “cô bạn nhỏ”:
– Đau rát khi đi tiểu
– Quan hệ thường xuyên nhưng không mang thai
– Sốt cao
– Đau dưới lưng
– Buồn nôn
– Cử động bụng gây đau nhức
– Đau rát khi quan hệ
– Đau vùng xương chậu
– Âm đạo tiết chất nhầy bất thường.
Theo Khampha