Cần phòng bệnh còi xương cho trẻ ngay từ những tháng đầu sau khi sinh cho đến khi trẻ được 2-3 tuổi.
– Đối với người mẹ, trong thời gian mang thai mẹ cần ăn uống đầy đủ và cân đối. Nếu cần bác sĩ có thể cho mẹ uống thêm vi ta min D2 liều nhỏ hàng ngày.
– Đối với trẻ : Trẻ cần được bú mẹ và có chế độ ăn dặm cân đối.
– Nhà ở phải thoáng đãng, có ánh nắng mặt trời chiếu vào nhà, trong trường hợp điều kiện nhà ở chật và tối thì nên cho trẻ ra ngoài trời nhiều nhất có thể được.
– Ngay từ cuối tháng thứ nhất sau sinh nên cho trẻ ra ngoài trời tắm nắng. Phương pháp tắm nắng có thể tóm tắt như sau :
+ Thời gian: khoảng từ 9-10 giờ sáng vào mùa đông và từ 7-8 giờ vào mùa hè. Buổi chiều nên tắm nắng cho trẻ sau 17 giờ. Ngay cả những ngày không có nắng thì ngoài trời vẫn có một lượng tia cực tím nhất định vì vậy vẫn nên cho trẻ ra ngoài trời.
+ Nên tăng dần lượng thời gian tắm nắng cho trẻ, những ngày đầu chỉ cần từ 1-2 phút, sau trẻ quen dần thì tăng dần số thời gian lên, trẻ lớn có thể để chơi tự do ngoài trời đến khi trời nắng gắt thì thôi.
+ Nên đội mũ che gáy và thóp cho trẻ. Với trẻ sơ sinh có thể phải che mắt cho trẻ. Trẻ lớn hơn có thể đeo kính râm chuyên dùng cho trẻ em để bảo vệ mắt. Ban đầu có thể để trẻ mặc nguyên áo quần, chỉ hở ra chút chân, tay, nhất là mùa đông thì nên phòng bé bị nhiễm lạnh. Mùa hè có thể cởi bỏ dần áo quần, chỉ cần cho trẻ mặc một chiếc quần xi líp là đủ.
– Dùng vitamin D liều dự phòng cho trẻ. Vitamin D dùng liều dự phòng thường được áp dụng cho những trẻ sau : trẻ sinh non, yếu, sinh đôi, trẻ ăn uống kém, trẻ bị rối loạn tiêu hoá kéo dài, trẻ ít được ra ngoài trời.
Vitamin D có thể được dùng theo hai cách như sau :
Cách 1: Nếu trẻ được thầy thuốc theo dõi thì từ khoảng 2 tháng tuổi trở lên là có thể dùng vi ta min D dạng nước (sterogyl hay infadin) 1 đến 2 giọt/ ngày (lưu ý số giọt thường theo quyết định của bác sĩ tuỳ vào tình hình cụ thể của trẻ). Trường hợp không có vitamin D dạng nước có thể cho trẻ dùng gói dạng bột hoặc dầu cá với liều lượng tuỳ theo chỉ định của bác sĩ. Có thể bác sĩ sẽ cho trẻ dùng liều như vậy đều đặn hàng ngày cho đến khi trẻ được 18-24 tháng, nhưng cũng có thể bác sĩ sẽ khuyên bạn chỉ nên cho trẻ dùng trong một thời gian ngắn hơn hoặc chỉ dùng trong mùa đông.
Cách 2: Với những trẻ em không được bác sĩ theo dõi trực tiếp hàng tháng thì bác sĩ thường cho dùng một liều vitamin D là 600.000 đơn vị trong khoảng 6 tháng đến 1 năm.
*Lưu ý dùng vitamin D cho trẻ luôn theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý dùng hoặc tự ý tăng liều vì dễ dẫn đến ngộ độc vitamin D, nhất là khi dùng liều cao.
Triệu chứng của ngộ độc vitamin D là: trẻ chán ăn, trẻ hay lợm giọng buồn nôn hoặc nôn. Trẻ uống nhiều, đái nhiều, sút cân, có thể táo bón hoặc tiêu chảy. Trẻ có thể có biểu hiện mệt mỏi, nằm cong người, ít vận động. Lúc này nên cho trẻ dừng ngay vitamin D và mang trẻ đến thầy thuốc ngay để có phương pháp xử lý kịp thời.
Theo Phunutoday