Trẻ bị còi xương là do cơ thể bị thiếu hụt vitamin D, làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ và chuyển hóa canxi và phốtpho (là những chất cần thiết cho sự phát triển của xương).
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu ánh sáng mặt trời, do kiêng khem quá mức và chế độ ăn nghèo canxi-phốtpho. Những trẻ không được bú mẹ dễ bị còi xương hơn trẻ bú mẹ.
Những dấu hiệu chứng tỏ trẻ bị còi xương
– Trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra nhiều mồ hôi khi ngủ.
– Xuất hiện rụng tóc vùng sau gáy tạo thành hình vành khăn.
– Các biểu hiện ở xương: Thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp lâu kín, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô), đầu bẹp cá trê.
– Các trường hợp còi xương nặng có di chứng: Chuỗi hạt sườn, nhô ức gà, vòng cổ chân, cổ tay, chân cong hình chữ X, chữ O.
– Răng mọc chậm, trương lực cơ nhão, táo bón.
– Chậm phát triển vận động: Chậm biết lẫy, biết bò, đi, đứng…
– Trong trường hợp còi xương cấp tính: Trẻ có thể bị co giật do hạ canxi máu.
Những trẻ nào dễ có nguy cơ bị còi xương?
Trẻ sinh non, sinh đôi; Trẻ nuôi bằng sữa bò; Trẻ quá bụ bẫm; Trẻ sinh vào mùa đông.
Các bà mẹ cần phân biệt: Bệnh còi xương và còi cọc.
Trẻ còi cọc: Trẻ bị suy dinh dưỡng, có số đo về cân nặng và chiều cao đều thấp hơn trẻ bình thường, cũng có thể kèm còi xương hoặc không.
Bệnh còi xương: Có thể gặp ở cả những trẻ rất bụ bẫm, do nhu cầu về canxi, phốtpho cao hơn trẻ bình thường.
Cần phải làm gì khi trẻ bị còi xương
Cho trẻ tắm nắng hàng ngày: Để chân, tay, lưng, bụng trẻ lộ ra ngoài từ 10-15 phút lúc buổi sáng (trước 9 giờ). Về mùa đông không có ánh nắng cho trẻ đi tắm điện ở khoa lý liệu pháp các bệnh viện. Bởi vì dưới da có sẵn các tiền vitamin D là 7 dehydrocholesterol, dưới tác dụng của tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời, các tiền vitamin sẽ bị hoạt hóa chuyển thành vitamin D. Vitamin D có tác dụng điều hòa chuyển hóa và hấp thu canxi, phốtpho. Ánh nắng mặt trời phải được chiếu trực tiếp trên da mới có tác dụng, nếu qua lần vải thì sẽ còn rất ít tác dụng.
Cho trẻ uống vitamin D 4000 Ul/ngày trong 4-8 tuần, trong trường hợp trẻ bị viêm phổi, tiêu chảy cần tăng liều 5.000-10.000 Ul/ngày trong 1 tháng, hoặc cho trẻ tiêm vitamin D 200.000 Ul/ống, 3 tháng tiêm nhắc lại một lần trong năm đầu tiên.
Cho trẻ uống thêm các chế phẩm có canxi như: Canxi B1-2-6 từ 1-2 ống/ngày, trẻ lớn có thể ăn cốm canxi 1-2 thìa cà phê/ngày.
Chế độ ăn uống
Cho trẻ bú mẹ.
Ăn bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi: Sữa, cua, tôm, cá trong các bữa ăn hàng ngày. Cần xóa bỏ quan niệm cho trẻ ăn xương ống, xương chân gà sẽ chống được còi xương.
Cho thêm dầu mỡ vào bữa ăn hàng ngày của trẻ: Vì vitamin D là loại tan trong dầu, nếu chế độ ăn thiếu dầu mỡ thì dù có được uống vitamin D trẻ cũng không hấp thu được nên vẫn bị còi xương.
Phương pháp phòng và chống bệnh còi xương ở trẻ em
Khi có thai, người mẹ phải có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Để tránh bị sinh non, có thể uống vitamin D khi thai được 7 tháng: 200.000Ul.
Sau sinh, cả mẹ và con không nên ở trong phòng tối và kín, phòng ở thoáng mát và đầy đủ ánh sáng.
Sau khi sinh 2 tuần, cho trẻ ra tắm nắng 15-20 phút/ngày vào buổi sáng (trước 9 giờ).
Cho trẻ uống vitamin D 400Ul/ngày trong suốt năm đầu tiên nhất là về mùa đông.
Khi trẻ ăn bổ sung: Cho trẻ ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi như: Sữa, trứng, tôm, cua, cá, rau xanh và dầu mỡ.
Theo Suckhoedoisong