Gỗ nguyên liệu nhập khẩu hiện nay đang chiếm ưu thế hơn so với gỗ nội địa và đóng vai trò quan trọng trong ngành chế biến gỗ xuất khẩu.
Tham gia Hội thảo về cơ hội và rủi ro nhập khẩu gỗ nguyên liệu trong bối cảnh hội nhập diễn ra ngày 4/4 tại Hà Nội, các đại biểu cho biết, gỗ nguyên liệu nhập khẩu đang ‘đổ bộ’ vào Việt Nam trong khi thị trường gỗ trong nước đang bị ‘bỏ ngỏ’.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản phối hợp với Tổ chức Forest Trends, Hội gỗ mỹ nghệ Tp.HCM và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho hay, trong năm 2015, Việt Nam nhập 4,79 triệu m3 gỗ trị giá 1,66 tỷ USD để phục vụ cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Điều đó cho thấy gỗ nguyên liệu nhập khẩu đóng vai trò quan trọng trong ngành chế biến gỗ để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng trên thị trường trong và ngoài nước.
Lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu giai đoạn 2013 – 2015 có xu hướng tăng khoảng trên 10%/năm, báo cáo trên cho biết. Lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu lên tới 4,79 triệu m3 gỗ quy tròn, đã tăng 11,3% so với lượng nhập khẩu của năm 2014 và 14% so với năm 2013.
Đồng thời, giá trị kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu ở mức cao, vào khoảng 1,5-1,7 tỷ USD/năm, tương đương với 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam đối với mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ. Tuy lượng nhập khẩu tăng nhưng giá trị kim ngạch nhập khẩu của năm 2015 giảm 60 triệu USD so với năm 2014.
Gỗ nguyên liệu nhập khẩu đang chiếm ưu thế trên thị trường Việt Nam.
Ảnh minh họa, nguồn: Internet.
Theo các đại biểu tại Hội thảo, khi các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết có hiệu lực, không ít doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư trong ngành gỗ tạo ra sự cạnh tranh đối với doanh nghiệp nội địa. Mặt khác, gỗ nguyên liệu nhập khẩu vẫn đang được người tiêu dùng ưa thích hơn và đóng vai trò quan trọng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa hiện ngày càng gia tăng.
Đã có khoảng 30 quốc gia đăng ký đầu tư vào ngành gỗ tại Việt Nam, nhất là Trung Quốc. Theo đó, việc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ hưởng nhiều ưu đãi như thuế xuất từ Việt Nam bằng 0%, với nguồn gỗ xuất xứ rõ ràng, giá gỗ tại Việt Nam thấp.
Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, thị trường gỗ trong nước hiện đang bị bỏ ngỏ. Do đó, Việt Nam cần chú trọng phát triển thị trường này, bằng không các doanh nghiệp nước ngoài sẽ chiếm lĩnh hết thị phần trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Tiềm năng thị trường gỗ trong nước là rất lớn song các doanh nghiệp lại thiếu thông tin. Hiện chưa có cơ quan quản lý nào nghiên cứu cụ thể thị trường trong nước hiện đang tiêu thụ loại gỗ gì và sản lượng tiêu thụ là bao nhiêu, ông Quyền đánh giá.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gỗ nội địa đang hoạt động một cách tự lập trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày một sâu rộng. Theo Phó chủ tịch Vifores, các ngành chức năng cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư mở rộng thị trường trong nước.
Theo VOV