4 vitamin và khoáng chất đặc biệt quan trọng khi bầu bí

Cùng với nhu cầu về năng lượng thì nhu cầu về vitamin và khoáng chất cũng tăng lên ở bà mẹ mang thai, giúp cho sự phát triển bình thường của cả mẹ và con. 4 vitamin và khoáng chất sau đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong giai đoạn này.

Acid folic

Acid folic (hay còn gọi là folat) là chất rất cần thiết cho sự phát triển và phân chia tế bào và cần cho sự hình thành của tế bào máu. Nhu cầu acid folic ở người trưởng thành khoảng 180-200 mcg/ngày, trong khi mang thai cần tới 400 mcg/ngày để đáp ứng cho nhu cầu gia tăng trong quá trình mang thai. Đó là sự gia tăng của quá trình phân chia tế bào (cần cho tổng hợp nhân tế bào và protein), sự hình thành nhau thai, số lượng tế bào hồng cầu gia tăng, sự tăng trưởng của bào thai và tăng thải folat qua nước tiểu.

Folate có tầm quan trọng trong việc ngăn ngừa các khuyết tật ống thần kinh (NTDs). Đây là một nhóm các bất thường khi sinh có liên quan đến cột sống, xương sọ và não, với sự phổ biến nhất là hiện tượng nứt đốt sống và thiếu não (vô sọ, thoát vị não). Với nứt đốt sống, cột sống thai nhi không đóng (mà thường xảy ra ở 21-28 ngày sau khi thụ thai) và kết quả là, tủy sống không được bảo vệ.

Như vậy, hậu quả của sự thiếu acid folic trong giai đoạn sớm của thai kỳ sẽ gây ra sự phân chia tế bào không bình thường, không chỉ gây các khuyết tật về ống thần kinh mà còn gây ra các dị tật khác như hở hàm ếch, hội chứng Down, gây sẩy thai… Khoảng 50-70% các trường hợp dị tật ống thần kinh có thể phòng tránh được nếu phụ nữ mang thai sử dụng acid folic trong khoảng thời gian trước khi thụ thai đến 4 tuần sau khi thụ thai.

182 4 vitamin và khoáng chất đặc biệt quan trọng khi bầu bí

Axit folic/folate là một trong những vitamin nhóm B. Nó được tìm thấy trong các loại rau khác nhau (đặc biệt là rau có màu xanh đậm), chẳng hạn như rau bina, măng tây, cải bruxen, xà lách romaine, bơ, đậu bắp, bông cải xanh, và cũng có trong các loại hạt, các sản phẩm sữa, thịt gia cầm, chuối, dưa hấu, trứng, hải sản, đậu và đậu Hà Lan… Phụ nữ mang thai nên ăn thức ăn có chứa nhiều loại vitamin này. Tuy nhiên, bên cạnh đó phụ nữ mang thai thường được khuyên bổ sung thêm acid folic (bằng thuốc) hàng ngày.

Sắt

Ở thời kỳ mang thai nhu cầu sắt cũng tăng cao để đáp ứng với sự phát triển bào thai trong tiến trình thai nghén và tránh nguy cơ mất máu lúc chuyển dạ. Trong giai đoạn thai kỳ, thể tích máu ở người mẹ tăng lên, cơ thể của người mẹ cần bổ sung chất sắt để tạo ra hemoglobin, một phần của các tế bào máu đỏ giúp mang oxy đến nuôi dưỡng thai nhi. Sự thiếu hụt chất sắt có thể dẫn đến một tình trạng được gọi là thiếu máu thiếu sắt. Ở phụ nữ mang thai, tình trạng thiếu máu do thiếu sắt gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Theo Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 50% phụ nữ mang thai trên thế giới bị thiếu máu.

Thiếu máu ở phụ nữ mang thai có thể gây hậu quả nặng nề cho cả mẹ và con, làm tăng nguy cơ tử vong đối với thai nhi như nguy cơ sinh non, sảy thai, thai chết lưu, chậm phát triển bào thai trong tử cung hoặc con nhẹ cân. Thiếu máu thiếu sắt được xem là liên quan đến ¼ trường hợp tử vong mẹ có liên quan đến thai sản, làm gia tăng các tai biến sản khoa nhất là tai biến do xuất huyết sau sinh.

Vì vậy, cần bổ sung sắt trong thời kỳ này. Nên ăn nhiều thực phẩm giàu sắt như rau muống, thịt nạc và cá biển… và bổ sung sắt theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên cần lưu ý, các tác dụng phụ thường thấy với việc bổ sung sắt có thể bao gồm buồn nôn, nôn, táo bón và tiêu chảy. Khi bổ sung sắt, một số thuốc có khả năng ức chế hấp thu sắt khi dùng đồng thời. Ví dụ như canxi chẳng hạn, nó có thể gây trở ngại cho sự hấp thu sắt. Trong khi đó canxi cũng là chất bổ sung quan trọng trong quá trình mang thai. Vì vậy, phụ nữ mang thai có thể khắc phục điều này bằng cách tách biệt lượng canxi và sắt không uống cùng một thời điểm (nên uống canxi và sắt cách xa nhau). Tốt nhất nên uống canxi vào buổi sáng và uống sắt vào buổi chiều. Khi uống viên sắt cũng không nên ăn ngay các thực phẩm giàu canxi như các sản phẩm sữa (để tránh sự tương tác làm mất tác dụng của sắt).

Hơn nữa, có đến 50% phụ nữ cũng có thể trải nghiệm trào ngược dạ dày (GERD) trong khi mang thai và đôi khi cần phải dùng đến các thuốc kháng axít hay các loại thuốc khác dùng để điều trị tình trạng này, và do các thuốc này có thể thể tương tác với sự hấp thu sắt, nên khi uống cũng cần phải lưu ý.

Canxi

Canxi có vai trò quan trọng trong việc hình thành xương và răng của trẻ. Vì vậy, trong thai kỳ cần bổ sung canxi để đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu phát triển của thai nhi. Nếu không được bổ sung đầy đủ, thai nhi có thể bị còi xương, kém phát triển, biến dạng cấu tạo xương. Người mẹ. có thể bị đau mỏi xương khớp, chuột rút, trường hợp nặng có thể co giật do hạ canxi máu. Thiếu canxi, thai nhi sẽ phải lấy canxi từ cơ thể người mẹ (hệ lụy sẽ gây loãng xương sau này ở người phụ nữ).

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng (nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam) thì, đối với phụ nữ có thai (trong suốt thời kỳ mang thai) cần 1200mg canxi/ngày. Như vậy, ngoài việc ăn tăng cường câc thực phẩm giàu canxi như đồ biển, bơ, phomat… thì có thể thực hiện bổ sung canxi thông qua các loại dược phẩm (thuốc có chứa calcium) theo sự chỉ định của bác sĩ. Vì, nếu tự ý bổ sung, uống nhiều gây thừa canxi sẽ gây hại. Đối với thai nhi, có thể bị tăng canxi trong máu, khi ra đời, thóp bị kín quá sớm, xương hàm có thể bị biến dạng, rộng và nhô ra trước, không có lợi cho sức khỏe và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Khi mẹ bị thừa canxi, bánh nhau sẽ bị tăng độ canxi hóa, làm giảm trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi, làm thai kém phát triển. Người mẹ sẽ bị táo bón, khô miệng, đau đầu, tăng dấu hiệu khát, chán ăn, mệt mỏi, tăng nguy cơ bị sỏi đường tiết niệu, đặc biệt là sỏi thận…

Vitamin D

Cùng với việc bổ sung canxi, thì việc bổ sung vitamin D cũng rất quan trọng. Đây là chất rất cần thiết cho sự hấp thu canxi và phosphor, góp phần vào cấu tạo xương. Viamin D trong cơ thể em bé được cung cấp từ cơ thể mẹ. Nếu người mẹ không đủ vitamin D, nghĩa là em bé sẽ bị thiếu hụt dưỡng chất này.

Thiếu vitamin D, canxi sẽ khó hấp thu dẫn tới hậu quả như trẻ bị còi xương ngay từ trong bụng mẹ hoặc đẻ ra bình thường nhưng thóp sẽ lâu liền, bào thai suy yếu. Nếu thiếu quá nhiều vitamin D có thể gây dị tật bẩm sinh, gây nhuyễn xương, co giật do hạ calci máu, loãng xương ở mẹ.

Nguồn cung cấp vitamin D quan trọng cho cơ thể (80%) là do sự tổng hợp trong da dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời. Vì vậy, phụ nữ mang thai nên có thời gian hoạt động ngoài trời càng nhiều càng tốt và nên ăn các thực phẩm có nguồn gốc động vật giàu vitamin D là gan cá, trứng, bơ sữa, các loại cá béo, thực phẩm có tăng cường vitamin D (như sữa). Việc bổ sung vitamin D bằng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ.

Theo Suckhoedoisong

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *