Đôi khi chính các mẹ không biết mình sai lúc sử dụng bình sữa và pha sữa cho bé.
1. Pha sữa với nước quá nóng hoặc quá nguội
Một số chất dinh dưỡng như lysin, acid folic, các vitamin nhóm B, … dễ bị hư hỏng, mất tác dụng ở nhiệt độ cao. Vì vậy, nếu bạn pha sữa nóng hơn nhiệt độ đã hướng dẫn thì sẽ mất chất. Pha sữa với nước nguội thì sữa sẽ không tan hết, sau khi trẻ bú sẽ thấy các cục sữa nhỏ đóng đầy trên thành bình mà không vào hết cho trẻ.
Thường nước ấm độ 40 – 60 độ C là đủ, bạn có thể pha 2/3 nước nguội với 1/3 nước sôi để có nhiệt độ trên, cho sữa vào và lắc bình nhiều lần cho sữa tan hết (không thấy sữa đóng cục trên thành bình), để sữa nguội bớt và trẻ có thể bú ngay.
2. Dùng lò vi sóng hâm nóng sữa
Không nên dùng lò vi sóng để hâm nóng bình sữa cho bé, vì sự phân phối sức nóng trong lò vi sóng không đều, nên nhiều khi bên ngoài bình sữa thấy lạnh mà sữa trong bình lại nóng quá, có thể khiến bé phỏng miệng khi bú. Sữa có thể được hâm nóng trong một cái nồi nước trên bếp hoặc thả vào một bát nước ấm.
3. Cho bé uống sữa đã pha để quá 2h
Đừng dùng sữa công thức đã pha để quá 2 giờ trong điều kiện nhiệt độ phòng. Ngoài ra, hãy bỏ lượng sữa thừa bé không bú hết. Nếu để lại lượng sữa thừa đó lâu, có thể sữa đó sẽ bị nhiễm khuẩn. Vi khuẩn có thể phát triển trong môi trường nước ấm và theo nước bọt của bé vào sữa.
4. Pha sữa khi chưa tiệt trùng bình
Trước khi pha sữa, điều quan trọng là phải tiệt trùng bình sữa để loại bỏ vi khuẩn gây hại. Cách tiệt trùng phổ biến nhất là đun bình sữa trong nước sôi khoảng 5 phút (đối với bình sữa mới, dùng lần đầu). Những lần sau, bạn chỉ cần cọ rửa bình với nước ấm và dung dịch cọ rửa bình sữa là được.
5. Pha sữa bằng nước rau
Đừng bao giờ dùng nước rau củ như củ dền, cà rốt để pha sữa: Làm thế sẽ dễ khiến cho bé bị ngộ độc do chất nitrat có ở nước rau củ. Bé có thể bị xanh tím nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
6. Pha sẵn một bình đầy sữa để cho trẻ uống dần trong đêm
Cách này thì rất thuận tiện cho mẹ và cho… vi trùng, vì vậy sẽ không tốt cho con. Khi trẻ ngậm núm vú, nước miếng sẽ lưu lại trên núm và có thể vào trong bình sữa, vì vậy sữa sẽ bị ôi thiu nhanh hơn là khi núm vú đã tiệt trùng chưa được ngậm.
Theo Phunutoday