Viêm, lở hay đau ở miệng không nguy hiểm nhưng chúng khiến bạn cảm thấy đau rát, khó chịu khi không thể ăn hay nói chuyện bình thường.
Ảnh minh họa
Các vết lở thường xuất hiện rải rác ở phần mềm của miệng như phần phía bên trong và ngoài của môi, má thậm chí có những vết lở mọc ở phần đầu lưỡi. Trong mọi trường hợp, bệnh nhân đều cảm thấy đau mỗi khi ăn hoặc nói chuyện.
Viêm, lở miệng thường gặp
Có hai dạng:
– Bệnh hecpet môi (hay còn gọi là bệnh mụn giộp)
Bệnh hecpet ở môi hay lở miệng chính là những vết phồng, giộp đỏ bé xíu mọc ở miệng và những vùng quanh miệng như môi, lưỡi…, gây đau và có thể tiết dịch. Bệnh này do vi-rút hecpet gây ra và có thể lây truyền.
– Bệnh viêm loét miệng
Căn bệnh này gây ra những cơn đau ở bên trong miệng, thông thường sẽ xuất hiện những vết loét màu đỏ hoặc trắng nằm rải rác bên trong vùng mô mềm của miệng. Chúng khác với những vết giộp, loét do bệnh hecpet gây ra, vốn thường xuất hiện ở vùng bên ngoài của môi trên. Căn bệnh này thường có nguyên nhân từ việc dị ứng với thức ăn, căng thẳng hay thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra các chứng viêm loét ở miệng rất đa dạng. Trong một số trường hợp, rất khó để chẩn đoán chính xác được nguyên nhân thật sự gây ra tình trạng viêm, lở miệng. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến thường gặp:
– Người bệnh đã bị nhiễm vi-rút hecpet trước đó và phát bệnh sau một thời gian vi-rút ủ bệnh. Loại vi-rút này sẽ hoạt động mạnh khi người bệnh đang gặp phải những tình huống căng thẳng, di chuyển nhiều hay môi trường có nhiều bụi bẩn.
– Khó tiêu hoặc táo bón cộng với sự phân hủy thức ăn trong cơ thể. Khi chúng ta ăn nhiều thứ khó tiêu thì sự kết hợp liên tục, nhiều lần giữa việc phân hủy thức ăn và chứng táo bón sẽ gây ra những vết loét ở miệng.
– Sự thiếu hụt B complex và kẽm.
– Thiếu sắt.
– Hệ miễn dịch đã bị suy yếu do trước đó cơ thể mắc những căn bệnh khác, bao gồm cả sự rối loạn máu.
– Ăn nhiều thức ăn có tính nóng như xoài, trái cây sấy khô, đồ chiên xào…
– Ăn những thứ chứa nhiều dầu có chất lượng kém. Trong một số trường hợp, đu đủ hay dứa cũng có thể gây kích thích niêm mạc. Tình trạng này chỉ xảy ra khi chúng được dùng kèm với những “thủ phạm” khác như dầu ăn kém chất lượng.
Cách điều trị
Khi các vết lở miệng xuất hiện, chúng không chỉ gây đau mà còn khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Để giảm tình trạng khó chịu trong giai đoạn bị lở miệng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp điều trị sau:
– Súc và rửa miệng bằng nước có chứa kẽm. Bạn có thể cho một viên thuốc kẽm vào ly nước, hòa tan và dùng chúng để súc miệng. Dùng thuốc kẽm dạng bột đắp vào vết lở cũng có tác dụng làm dịu vết loét.
– Uống nước ép nha đam khi bụng đang đói. Loại nước ép này có tác dụng bôi trơn và tạo ra một lớp màng để bảo vệ các vết lở, loét. Bên cạnh đó, chúng rất mát và có thể chữa lành cho những vết thương ở bề mặt da nhầy.
– Bổ sung các viên B complex, kẽm, sắt. Biện pháp này không phát huy tác dụng chữa bệnh ngay tức thời, nhưng về lâu dài sẽ điều trị dứt điểm việc lở miệng do sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng này.
– Bạn cũng có thể pha chế loại nước súc miệng từ nghệ bằng cách đun sôi củ nghệ trong nước, lọc sạch và để nguội rồi dùng. Nước nghệ cũng mang lại tác dụng làm sạch miệng mà không gây bỏng phần da mỏng manh trong miệng.
– Dùng khăn ngâm vào nước đá lạnh có pha muối rồi chấm nhẹ lên những vết loét, làm nhiều lần trong ngày cho đến khi vết lở đỡ hẳn.
– Tinh dầu tỏi cũng là một phương thuốc sát khuẩn hiệu quả. Bạn chỉ cần giã nát tỏi, lọc lấy nước và thoa chúng thường xuyên lên vết loét, lở.
– Uống thuốc nhuận tràng loại nhẹ đôi khi cũng là một giải pháp hiệu quả, đặc biệt là đối với những trường hợp lở miệng do sự tích tụ chất độc trong bao tử gây ra. Nếu bạn bị lở miệng do bụng dạ không ổn, khó tiêu thì thuốc nhuận tràng sẽ giúp giải quyết các vết loét chỉ trong vòng 24 giờ.
– Khi bị lở miệng do căng thẳng, bạn cần tránh những tình huống gây stress không chỉ là nguyên nhân hình thành nên những vết giộp khó chịu mà còn làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể.
– Tránh những thức ăn hoặc đồ uống có khả năng làm cho những vết lở miệng trở nên trầm trọng hơn. Danh sách này bao gồm: những thứ có nhiều gia vị, a-xít (như trái cây có họ cam, quít hoặc nước ép của chúng), thức ăn cay, cứng hay giòn (như các loại bánh quy, khoai tây chiên) hay quá nóng. Tiêu thụ những thứ có nhiều cồn hay caffeine cũng kích thích sự hình thành các vết lở miệng.
Theo Phunu