Sau khi ăn, một số người thường bị ợ và cảm thấy “thỏa mãn” vì nhẹ bụng hơn. Tuy nhiên, chứng ợ hơi lại tiềm ẩn một căn bệnh nguy hiểm.
Thực quản là một ống thẳng được tạo thành từ nhiều lớp mô và cơ, có thể giãn nở, tạo những sóng nhu động đưa thức ăn từ miệng xuống dạ dày.
Ở đáy thực quản có một cơ vòng gọi là cơ vòng thực quản dưới, hoạt động như một cái van: khi nuốt thức ăn, cơ vòng này sẽ mở ra để thức ăn đi xuống dạ dày, sau đó nó sẽ đóng lại để ngăn không cho các chất chứa trong dạ dày trào ngược lên.
Khi cơ vòng này hoạt động không tốt thì acid và thức ăn từ dạ dày sẽ trào ngược lên thực quản.
Chứng ợ nóng là tình trạng acid trong dạ dày bị trào ngược lên thực quản và vì thực quản không có lớp màng bảo vệ như dạ dày nên bị acid làm tổn thương, gây ra cảm giác đau rát.
Đây cũng là dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay GERD (gastro esophageal reflux disease). Nếu triệu chứng này chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra và chỉ kéo dài trong thời gian ngắn thì không phải là vấn đề nghiêm trọng.
Ngoài ra, một số trường hợp sau sẽ dẫn đến tình trạng cơ vòng hoạt động không tốt khiến cho acid trong dạ dày bị trào ngược lên thực quản cũng gây ra ợ nóng, như đang mang thai, thoát vị khe thực quản, bị dư cân, ăn quá nhiều hoặc nằm ngay sau khi ăn, và mặc quần áo chật gây chèn ép lên dạ dày.
Bên cạnh đó, một số thói quen ăn uống cũng gây nên tình trạng ợ nóng như: thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, nhiều cà chua, hay thức ăn có vị cay, vị chua.
Một số thực phẩm khác nữa là cà phê, rượu, sôcôla, đường, bạc hà và kể cả trường hợp sau một bữa ăn thịnh soạn hay ăn trước giờ đi ngủ.
Triệu chứng này cũng có khi là do uống một loại thuốc nào đó như Aspirin hay khi bạn hút thuốc.
Đối với các thai phụ, chứng ợ nóng thường gặp trong các tháng cuối thai kỳ do trọng lượng của em bé chèn ép vào dạ dày làm cơ vòng thực quản mở ra khiến acid trào ngược lên thực quản.
Tuy nhiên, khi có những dấu hiệu nuốt khó, nuốt đau, sụt cân không giải thích được, đau ngực, nuốt nghẹn hay chảy máu tiêu hóa (ói ra máu, đi cầu phân đen) kèm theo chứng ợ nóng là những triệu chứng nguy hiểm.
Nếu không chữa trị dứt điểm thì chứng ợ nóng hoàn toàn có khả năng trở thành chứng ợ nóng mãn tính hay còn gọi là chứng trào ngược thực quản dạ dày (GERD).
Từ chứng GERD có thể dẫn đến những tình trạng nguy hiểm khác nặng hơn. Như việc ợ nóng liên tục sẽ gây viêm thực quản với nhiều mức độ khác nhau, loét thực quản, hẹp thực quản (do tổn thương viêm kéo dài hình thành sẹo co kéo gây chit hẹp lòng thực quản).
Một số ít có thể bị thực quản Barrett’s (một dạng biến đổi tế bào ở thực quản thành tế bào bình thường khác nhưng chỉ có ở ruột) có thể gây ung thư thực quản về sau trong một số trường hợp.
Acid do trào ngược kéo dài có thể kích thích họng (gây viêm họng, viêm thanh quản làm khàn tiếng kéo dài), bị hít vào phổi gây viêm phổi hít. Một số trường hợp có thể có triệu chứng của bệnh suyễn.
Và nếu tình trạng này kéo dài quá lâu, thậm chí, có thể gây tổn thương phổi vĩnh viễn như xơ hóa phổi hoặc dãn phế quản nếu không được điều trị.
Để giảm chứng ợ nóng, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra để xem liệu bệnh nhân có phải loét dạ dày hay các bệnh khác gây ra triệu chứng ợ nóng hay không bằng phương pháp chụp X-quang có cản quang để khảo sát thực quản, dạ dày, ruột non; nội soi thực quản dạ dày để chẩn đoán bệnh, đánh giá mức độ nhằm đưa ra xử trí thích hợp.
Có thể hạn chế chứng ợ nóng bằng những cách sau:
– Chia nhỏ các cữ ăn chính thành nhiều cữ nhỏ và ăn chậm
– Tránh mặc quần áo quá chật
– Giảm lượng cân nặng thừa
– Nâng cao vai và đầu so với dạ dày khi nằm ngủ
– Tránh các chất tạo ra quá nhiều acid gây tình trạng nóng rát dạ dày như thức ăn cay, nhiều dầu mỡ, cà phê, rượu, cà chua, sôcôla, …
– Ngừng hút thuốc
– Nhai kẹo cao su hoặc ngậm thuốc dạng kẹo (giúp kích thích tiết nước bọt nhiều hơn, góp phần làm giảm acid ở thực quản trào lên từ dạ dày).
Nếu các biện pháp đơn giản trên không làm giảm bớt tình trạng nóng rát thực quản, bác sĩ sẽ kê toa thuốc cho bạn để làm giảm lượng acid trong dạ dày, giúp làm trống dạ dày. Khi uống thuốc điều trị bạn đừng đi đâu trong vòng 15 phút.
Theo Bacsi