Nhà, đất không sổ đỏ có được cho thừa kế hay không?

Vì nhiều lý do khác nhau mà hiện nay, rất nhiều trường hợp nhà, đất không có sổ đỏ. Vậy nếu người sử dụng đất muốn lập di chúc cho con cháu thừa kế bất động sản không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đó thì có hợp pháp không?

Ông Hòa (Hoài Đức, Hà Nội) đang sống trên thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ). Nay do tuổi đã cao, ông Hòa muốn lập di chúc để lại thửa đất này cho người con trai duy nhất thừa kế, điều này có được pháp luật thừa nhận hay không?

Theo Điều 631 Bộ Luật Dân sự, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Ngoài ra, nếu tài sản để thừa kế là quyền sử dụng đất thì người lập di chúc còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai. 

Cụ thể, Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 quy định người sử dụng đất được phép để lại thừa kế mảnh đất đó khi đảm bảo được các điều kiện sau:

– Mảnh đất đó có giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

– Đất không có tranh chấp

– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án

– Trong thời hạn sử dụng đất: Xét với trường hợp của ông Hòa, do đất chưa có sổ đỏ nên nếu muốn lập di chúc cho con trai thừa kế, mảnh đất đó phải đảm bảo không có tranh chấp, trong thời hạn sử dụng và quan trọng nhất là đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.

nha dat khong so do 0ca6
Nhà, đất không sổ đỏ có được lập di chúc làm di sản thừa kế không? Ảnh minh họa.

Về điều kiện để được cấp sổ đỏ, Khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 quy định người sử dụng đất cần có 1 trong số các giấy tờ sau đây:

– Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước CHXHCN Việt Nam

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15/10/1993

– Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất

– Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993 được UBND cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993

– Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật

– Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất

– Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15/10/1993 theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, theo quy định này, nếu ông Hòa có một trong các loại giấy tờ nêu trên và đất đáp ứng điều kiện thừa kế thì có quyền lập di chúc để định đoạt thửa đất đó cho người con trai thừa kế.

Con trai ông Hòa cần phải khai nhận di sản thừa kế mảnh đất chưa có sổ đỏ đó tại Phòng công chứng, sau khi có kết quả sẽ tiến hành đăng ký quyền sử dụng đất. Thủ tục khai nhận di sản thừa kế được quy định tại Điều 57, Điều 58 Luật Công chứng 2014.

>> Được hưởng thừa kế nhà dù không có tên trong di chúc

Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2020/04/02/nha-dat-khong-so-do-co-duoc-cho-thua-ke-hay-khong/

Theo Tạp chí Thanh niên

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *